Bài 3: Cần đẩy nhanh sắp xếp trường, lớp, đội ngũ cán bộ giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Loạt bài: TÁI CƠ CẤU GIÁO DỤC VÙNG DÂN TỘC THIẾU SỐ - CÂU CHUYỆN TỪ YÊN BÁI

(ĐCSVN) - Giáo dục là ngành đặc thù nên việc cơ cấu lại cũng trên nguyên tắc đặc thù: Có người học là phải có trường lớp và giáo viên đạt chuẩn. Tuy vậy, áp lực đối với ngân sách nhà nước sẽ rất lớn nếu không sắp xếp số lượng, quy mô trường, lớp học gắn với bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý. Quá trình đó đòi hỏi lãnh đạo các địa phương cần xuống tận cơ sở, sâu sát, quyết liệt để giải quyết các bất cập.

“Yên Bái đã làm được” - ghi nhận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020 - 2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 28/8/2021 đã khẳng định thành công của Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020”.

Vấn đề là quá trình tái cơ cấu trường, lớp, cán bộ ngành Giáo dục của Yên Bái bắt đầu diễn ra cách đây đã 5 năm, nhưng cũng chỉ mới cơ bản hoàn thành. Đến tháng 7/2020, Yên Bái vẫn còn 287 điểm trường cho thấy sắp xếp trường lớp, cán bộ giáo dục là một công việc rất khó, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, trí tuệ. Vì thế, cách làm cùng những bài học kinh nghiệm của địa phương này vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự, có thể truyền cảm hứng cho các địa phương khác vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN) nghiên cứu, tham khảo để đẩy nhanh tiến trình sắp xếp lại đội ngũ cán bộ ngành Giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Số lượng điểm trường lẻ tồn tại ở vùng DTTS & MN rất lớn

Theo kết quả điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội 53 DTTS tính đến 01/10/2019, vùng DTTS & MN còn 26.519 điểm trường lẻ đang hoạt động, tập trung chủ yếu ở vùng Trung du miền núi phía Bắc với 13.838 điểm trường; tiếp đó là vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 4.944 điểm trường; Tây Nguyên 3.852 điểm trường; Đồng bằng sông Cửu Long 2.200 điểm trường…

Tỉnh Hà Giang có 2.114 điểm trường; tỉnh Sơn La 2.309 điểm trường; các tỉnh Nghệ An, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Gia Lai còn từ 1.040 - 1.477 điểm trường, thuộc nhóm các tỉnh có nhiều điểm trường lẻ đang hoạt động nhất toàn quốc.

3 tỉnh có số điểm trường lẻ từ 900 - 1.000; 4 tỉnh có số điểm trường lẻ từ 700 - 900; 6 tỉnh có số điểm trường lẻ từ 400 - 700; 22 tỉnh có số điểm trường lẻ từ 100 - 400; còn lại là dưới 100 điểm lẻ.

 Điểm trường lẻ Lào Sa, thuộc Trường Tiểu học và THCS bán trú Lào Sa, xã Lao Chải, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái do ở cách xa trường chính, giao thông cách trở, địa hình núi cao nên rất thiếu thốn về cơ sở vật chất trường lớp và tốn kém về chi phí cho nhân lực giáo viên (Ảnh: Xuân Quỳnh/YTV)

 

Số lượng điểm trường lẻ còn rất lớn, đồng nghĩa với số lượng giáo viên cần có để duy trì (nếu chỉ tính tối thiểu 1 giáo viên/điểm trường) cũng rất lớn, chi lương cho đội ngũ này không nhỏ, trong khi hiệu quả dạy và học không cao. Bên cạnh đó, việc duy trì mô hình mỗi xã có đủ cả 3 cấp học: mầm non, tiểu học, THCS cũng khiến số trường học đang hoạt động tại vùng DTTS & MN rất cao. Theo kết quả điều tra, đến 01/10/2019, toàn vùng DTTS & MN có 21.573 trường học.

Như vậy, nếu sắp xếp được quy mô mạng lưới trường lớp thông qua giải pháp xóa điểm trường lẻ, sáp nhập các trường trên cùng địa bàn xã có khoảng cách hợp lý thành trường liên cấp như cách làm của Yên Bái sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề về giáo dục, nhất là khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mà năm nào các địa phương cũng phản ánh.

Việc này là rất cần thiết và như Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020 - 2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022: “Phải trên cơ sở lợi ích quốc gia thì mới làm được. Nếu chỉ đơn thuần làm việc thống kê rồi kêu ca thì sẽ luôn luôn thấy khó, không thể làm được”..., “Cứ đà đó, mỗi năm lại đề xuất là cần thêm bao nhiêu giáo viên, đất nước không chịu nổi!”…

Cơ sở để thúc đẩy việc sắp xếp điểm trường lẻ

Những năm trước, giao thông vùng DTTS & MN rất khó khăn, chủ yếu là đường đất, các gia đình chưa có xe động cơ để đón đưa con hàng ngày. Lúc đó, mở các điểm trường lẻ là hợp lý để vừa đảm bảo quyền được học tập của trẻ em, vừa góp phần tạo nơi xóa mù chữ cho người lớn tuổi.

Nay, theo các tiêu chí giảm nghèo đa chiều của Nhà nước, có tiêu chí đánh giá kết quả tiếp cận trường học. Do vậy, vùng DTTS & MN đã được đầu tư để có những bước phát triển mạnh mẽ. Riêng về giao thông, tỷ lệ đường bê tông, nhựa hoặc rải sỏi đá từ thôn đến trung tâm xã đã rất cao: Khu vực Trung du miền núi phía Bắc đạt 91%; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 96,8%; Tây Nguyên 97,4%, Đồng bằng sông Cửu Long 99,6%.

Khoảng cách từ nhà đến trường tiểu học và THCS gần nhất của đồng bào DTTS lần lượt là 2,2km và 3,7km, giảm lần lượt so với năm 2015 là 2,5 km và 3,6 km.

Tỷ lệ hộ DTTS sử dụng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện phục vụ cho mục đích sinh hoạt của hộ (bao gồm cả việc làm phương tiện đưa đón con đi học hàng ngày) lên tới 89,1%; 33,8% số hộ có xe đạp; 2,1% có ô tô, 1,5% có xuồng ghe…

Với sự phát triển về giao thông, phương tiện cá nhân, khoảng cách từ nhà đến trường chính được rút ngắn là những điều kiện thuận lợi để phụ huynh đơn giản hóa việc đưa đón con hàng ngày từ nhà đến trường và ngược lại.

 Nhờ việc sắp xếp lại trường lớp, học sinh, giáo viên, nên các em học sinh Trường Tiểu học Đông Khê xã Đông Khê, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã được hưởng các điều kiện học tập tốt hơn (ảnh: TQ)

 

Bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái cho biết, khi sáp nhập các điểm trường lẻ về trường chính, học sinh có môi trường, điều kiện học tập như nhau và tốt hơn hẳn so với điểm lẻ. Cộng với việc đưa đón con hàng ngày đã không còn là áp lực thì xóa điểm trường lẻ là cần thiết, là một việc làm “nhất cử, lưỡng tiện” mang lại nhiều lợi ích cho cả Nhà nước, phụ huynh và nhất là học sinh.

Còn với tỉnh Quảng Ninh, gọi quá trình sắp xếp trường lớp là “cuộc cách mạng” cũng không sai. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đã có 28 trường, hàng trăm điểm trường với gần 900 lớp học được giảm, qua đó giảm áp lực biên chế giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục, học sinh vùng sâu, vùng xa có điều kiện học tập hòa nhập tốt hơn trong môi trường bán trú.

Điểm trường lẻ đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong thời kỳ vùng DTTS chưa phát triển. Nay, có thể không xóa bỏ được triệt để vì vẫn còn một tỷ lệ thôn bản đặc biệt khó khăn cách rất xa trung tâm xã, đòi hỏi phải duy trì điểm trường lẻ, nhưng rõ ràng cần quyết tâm sớm chấm dứt sự tồn tại của nó ở những nơi có thể. Có như vậy, các địa phương mới có điều kiện tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học, giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện công bằng trong học tập cho mọi trẻ em.

Được biết, năm 2021, căn cứ số liệu thừa, thiếu giáo viên trên cơ sở dữ liệu ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất bổ sung khoảng 30.000 biên chế, gồm 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, cấp THPT và 10.000 biên chế giáo viên mầm non cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa khó khăn, vùng DTTS. Có lẽ, thúc đẩy nhanh hơn việc sắp xếp lại trường, lớp để tính toán, bố trí hợp lý giáo viên trước khi tuyển dụng mới là việc làm rất cần thiết lúc này của các địa phương.

Cần thêm một số giải pháp

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: “Phải tìm cách đưa ra mô hình phù hợp với đất nước. Chẳng hạn, có thể thay thế mô hình điểm trường, một mô hình rất lãng phí, tiêu rất tốn tiền của đất nước bằng mô hình trường nội trú. Xây một trường nội trú hết 100 tỉ đồng, nhưng học sinh được hưởng lợi rất nhiều, mà lại xóa được các điểm trường, xóa được các khoản chi tiêu lớn và lãng phí”.

Hiện nay, cả nước có 54 tỉnh, 503 huyện vùng DTTS. Đã có 316 trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh; cấp huyện có 256 trường được thành lập ở 49 tỉnh, thành phố. Trường phổ thông dân tộc bán trú mới được thành lập ở 28 tỉnh, với 1.097 trường. Như vậy, mạng lưới trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú còn chưa phủ hết địa bàn tỉnh, huyện vùng DTTS, đồng nghĩa với dư địa còn nhiều để thực hiện gợi ý của Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng: “Có thể thay thế mô hình điểm trường, một mô hình rất lãng phí, tiêu rất tốn tiền của đất nước bằng mô hình trường nội trú”.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & MN giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất với Ủy ban Dân tộc xây dựng Dự án 5, trong đó có Tiểu dự án 1 “Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS”. Đây là căn cứ pháp lý cũng như sự bảo đảm về đầu tư của Nhà nước để thúc đẩy mô hình trường chuyên biệt cho học sinh vùng DTTS & MN trong 10 năm tới.

Thực tế là đối với các tỉnh vùng DTTS & MN, việc xóa điểm trường lẻ sẽ làm tăng số lượng học sinh bán trú ở trường chính. Tuy nhiên không phải trường nào cũng được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước nếu không đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng học sinh bán trú. Trong khi nhà trường vẫn phải thực hiện quy trình quản lý và chăm sóc học sinh như các trường bán trú, khiến khối lượng công việc của cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên rất nặng nề mà lại thiệt thòi về quyền lợi.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng,
xã Trà Leng, huyện Nam Trà Mi, tỉnh Quảng Nam (ảnh: QN)

 

Giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và ngành Giáo dục và Đào tạo các địa phương cần nghiên cứu thêm các giải pháp sau:

Một là, xây dựng tốt quy hoạch giáo dục trên địa bàn theo hướng tiếp tục sắp xếp điểm trường, trường học hợp lý, tập trung phát triển quy mô lớp, học sinh. Trên cơ sở đó xác định rõ nhu cầu giáo viên, số lượng giáo viên thiếu, bậc học thiếu giáo viên; nguyên nhân thừa, thiếu giáo viên, để từ đó có kế hoạch, lộ trình tuyển dụng cũng như thực hiện tinh giản phù hợp.

Bên cạnh điều chuyển nội bộ từ nơi thừa đến nơi thiếu trong cùng một địa bàn cấp huyện, có thể xem xét điều chuyển từ các cơ sở giáo dục khác nhau trong nội bộ tỉnh. Quá trình tổ chức thực hiện cần có sự vào cuộc quyết liệt, với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, của ngành Giáo dục, gắn với làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích chính sách cho đội ngũ cán bộ trong diện phải sắp xếp.

Hai là, biên chế, tổ chức lâu nay theo chức năng, nhiệm vụ là công việc của ngành Nội vụ. Song đối với việc sắp xếp nhân sự trong lĩnh vực giáo dục thường rất lớn, liên quan đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người, tiến hành trong một thời gian dài thì nên xem xét phân cấp cho ngành Giáo dục chịu trách nhiệm đề xuất số lượng biên chế, điều chuyển, điều động, tuyển dụng giáo viên, nhân viên các trường học nhằm đảm bảo tính kịp thời mà không gây xáo trộn cho ngành.

Ba là, các địa phương quan tâm bố trí kinh phí đào tạo đạt chuẩn giáo viên theo quy định của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS. Việc này rất quan trọng để phương án điều động, luân chuyển, sắp xếp giáo viên, nhân viên dôi dư giữa các bậc học, cấp học luôn được linh hoạt, hiệu quả trong mọi tình huống.  

Ngành Giáo dục cần chủ trì, cùng các ngành chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân tỉnh chính sách đối với giáo viên các trường có học sinh bán trú nhưng không phải trường bán trú để tránh thiệt thòi cho giáo viên, nhân viên và tạo thuận lợi trong phương án sắp xếp cán bộ.

Bốn là, tham gia vào ngành Giáo dục trong tình hình hiện nay, bản thân các nhà giáo cần chủ động học tập, nâng cao trình độ để thích ứng với việc dạy liên môn thì mới giữ được việc làm ổn định và có thêm thu nhập do tăng giờ đứng lớp.

Năm là, các trường sư phạm cần đổi mới quá trình đào tạo để một giáo viên có thể dạy được nhiều môn theo hướng tích hợp liên môn. Như vậy, khi trường học có tình trạng thừa - thiếu cục bộ, có thể điều chuyển nội bộ, hạn chế tình trạng thiếu giáo viên và nhu cầu tuyển dụng mới.

LỜI KẾT:

Thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị (khóa XI) là yêu cầu tất yếu đối với các cấp, các ngành nhằm bảo đảm không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên Giáo dục - Đào tạo là một ngành đặc thù. Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, thực hiện tinh giản biên chế đối với một ngành đặc thù không thể tiến hành một cách cơ học mà phải dựa trên nguyên tắc đặc thù: Có người học là phải có trường lớp và giáo viên đạt chuẩn. Tuy vậy, áp lực đối với ngân sách nhà nước sẽ rất lớn nếu không sắp xếp số lượng, quy mô trường, lớp học gắn với bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý.

Quá trình thực hiện đòi hỏi “Lãnh đạo các địa phương cần quan tâm việc tổ chức lại các nhà trường, các điểm trường, cơ cấu lại, đào tạo lại đội ngũ giáo viên, đội ngũ phục vụ…; xuống tận cơ sở, sâu sát, quyết liệt để giải quyết các bất cập. Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, bài toán đặt ra là phải làm sao sử dụng phù hợp nhất, hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất để bất kỳ trẻ em nào trên đất nước ta đến tuổi đi học đều được đến trường, được bảo đảm quyền lợi cao nhất” như Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo./.

 

Bài viết liên quan